Sự giàu có của nước Mỹ Học và làm việc ở Mỹ rất lâu, sau đó đi nhiều nước, mình…


Sự giàu có của nước Mỹ

Học và làm việc ở Mỹ rất lâu, sau đó đi nhiều nước, mình nhận thấy rằng sự giàu có của nước Mỹ có nguyên nhân chủ đạo, ngoài là nước tự chủ sản xuất lớn, họ cũng là thị trường tiêu thụ khổng lồ. Những ngày cuối tuần, bãi xe siêu thị đầy xe hơi, và họ đẩy những xe hàng ra cao như núi. Tủ lạnh của một nhà trung bình ở Mỹ đầy ắp bơ sữa, thức ăn, nước ép trái cây mà họ mua can 5 lít, sữa tắm dầu gội là theo lốc, quần áo thì cỡ 1 năm là họ không mặc nữa, đợi mùa sale cuối năm là chạy rầm rập ra vô và quầy thu ngân xếp hàng dài….

Thầy giáo ở HBS nói đó là sự thịnh vượng của nước Mỹ. Chính văn hoá tiêu dùng theo nhu cầu thì những nước nghèo như Việt Nam mới xuất bao nhiêu là quần áo giày dép thuỷ sản sang, bao nhiêu người Việt có việc làm, đời sống xã hội từ đó mà ổn định và tốt đẹp dần lên. Theo số liệu năm 2021, người Mỹ đã chuyển về nước ta 96 tỷ đô để nhập hàng Made in Vietnam, còn mình chỉ chuyển 15 tỷ đô sang Mỹ để nhập hàng Made in USA. Mỹ là nơi dòng tiền chảy về nhiều nhất trong thương mại của nước ta với thế giới, tức chúng ta xuất siêu, thặng dư thương mại với Mỹ. Đi Hàn hay Nhật, mình thấy đàn ông Hàn và Nhật thì khá tiết kiệm nhưng các bà các cô (vợ của họ) thì không. Từng tốp từng tốp mua sắm đầy ở các siêu thị, các cửa hàng, mỗi bà 1 ngày 3 ly cà phê Starbucks. Ở Paris, Dubai, Singapore, Đài Loan, TQ đại lục, Hongkong, Băng Cốc, Kuala Lumpur….mình cũng thấy người ta mua sắm dữ dội.

Mình có lần hỏi thầy về cách nào đó cho VN giàu có hơn, thì thầy bảo, tiêu dùng hợp lý chứ không phải cất tiền tiết kiệm, mới là chìa khoá để nền kinh tế phát triển, mới giải quyết được việc làm cho tất cả. Tiêu dùng thì nhà máy mới có việc để làm, logistic hậu cần kho bãi vận chuyển mới nhộn nhịp, người ta có tích luỹ được vốn thì mới mở rộng, tạo việc làm thêm. Có tiêu dùng thì đồng tiền làm ra trong xã hội sẽ dễ dàng, quay lại xã hội dễ dàng, từ đó mà kinh tế đi lên nhanh chóng, mình ra tiền thì mọi người mới có cơ hội làm tiền, sau đó tác động ngược lại chính mình. Mình thủ chặt thì không ai có tiền hết, đồng tiền trở nên khó và khôn, giá trị đạo đức cũng khó mà tốt được khi quá nghèo.

Về VN quan sát và thử nghiệm ở một làng quê nhỏ, chị bán cháo vịt thâm niên 20 năm nói, mỗi ngày chị bán được có 3 con thôi, người dân ở đây dè sẻn lắm, không ăn ngoài đường, 20 năm cả làng chị không có gì thay đổi, trẻ con bỏ học và người dân bỏ quê lên Tp mưu sinh, làng quê hiu hắt và thành phố thì chật cứng người. Mình hướng dẫn mấy đứa nhỏ mở 3 doanh nghiệp trong làng, nhân viên gần trăm đứa từ khắp nơi tới làm việc, khuyến khích lấy tiền lương ra tiêu dùng chứ không dè sẻn. Hôm gặp lại, chị nói 1 ngày chị bán được 20-30 con vịt, có người mở thêm 2 quán nữa, chị phải cạnh tranh nên chất lượng vịt cả 3 quán đều rất ngon, giá lại rẻ hơn vì người nuôi vịt cung cấp nhiều lên. Có tiền, chị đầu tư quán khang trang, thuê thêm người bưng bê vào giờ cao điểm, tiền công người kia lại sử dụng để đi chợ mua đồ, chợ quê nhộn nhịp hàng hoá phong phú. Nói chung từ khi tụi em đến, làng quê khởi sắc, trẻ con có tiền mà được tiếp tục học hành, người già kéo dài tuổi thọ vì có tiền đi bệnh viện, chị đã biết trang điểm và đi học yoga. Cách đó 50km, nơi có 1 nhà máy đóng tàu của Hàn và nhà máy nhiệt điện của Nhật, họ nhận tới 6000 công nhân vào làm, đời sống người dân ở đây cao hẳn. Tan tầm, một công nhân đi về mua 1 mớ rau, 1 con cá, một con gà con vịt thì mấy ngàn bó rau, mấy ngàn con cá con gà con vịt đã được tiêu thụ, tiền lại chảy về cho người nông dân, họ lại đóng tiền học phí, mua sắm đồ đạc…Dòng tiền chảy trong xã này tốt nên các quán xá đông nghịt người, vùng đất trở nên sống động, không còn hiu quạnh.

Hà tiện và tiết kiệm, hào phóng và phung phí là những từ mà chúng ta hay nhầm lẫn trong tài chính cá nhân. Chúng ta luôn được khuyên phải tiết kiệm, chớ phung phí, tiết kiệm là quốc sách… nhưng một số người biến thành hà tiện, không chi ra cho ai, thủ chặt cho cá nhân mình, có tiền là cất hết chứ không xài, không đi chơi đi du lịch, không quà tặng gì cho ai…., hậu quả là không có những mối quan hệ tốt, cuộc đời cũng không những màu sắc thú vị, lại gây khó cho nền kinh tế. Tiền là máu của nền kinh tế, nó phải lưu thông ngon lành thì “cơ thể” mới khoẻ mạnh. Mình cất tiền ở đâu đó, tức là gián tiếp làm cho nó tắc nghẽn mạch máu, sẽ khiến cơ thể bị bệnh.

Tiết kiệm chỉ có ở những người thông minh, nếu không nó chuyển qua thành hà tiện, dè sẻn, ky bo. Trong giai đoạn đầu đời, đang là học sinh sinh viên hoặc vừa ra trường vài ba năm, thì tiết kiệm là tốt, vì mình đang xài tiền của người khác, hoặc tự mình cũng chưa làm ra được nhiều, đang giai đoạn trưởng thành. Nhưng sau giai đoạn này rồi, mà vẫn cứ sống tiết kiệm, thì chỉ có thể tích luỹ một ít, nhưng không thể giàu được. Quy mô xã hội, người người tiết kiệm, nhà nhà tiết kiệm, chi tiêu dè sẻn, một cái áo cái quần mặc chục năm, khát nước cháy cổ vẫn chạy về nhà nấu nước uống chứ không ghé cửa hàng lấy 1 chai nước suối hay 1 ly nước mía….thì hàng hoá sẽ không lưu thông tốt, hàng làm ra không bán được, dẫn đến đồng tiền trong xã hội khó kiếm dần. Ở góc độ làm chủ doanh nghiệp hay quản lý doanh nghiệp, tăng lợi nhuận bằng cách cắt giảm chi phí, tiết kiệm chi phí thì cũng có lãi đấy, nhưng mà lãi nhỏ. Ông bà khuyên “buôn tàu buôn bè không bằng ăn dè ăn sẻn” là lời khuyên của ông bà làm nông nghiệp nghèo khó ngày xưa, không giúp chúng ta giàu có được, không nên nghe theo. Muốn giàu có phải đóng thuyền đi buôn tàu buôn bè như người Hà Lan, người Hoa, người Nhật, người Do Thái….chứ sao lại đóng cửa ở nhà “ăn dè ăn sẻn”.


Xem bài viết gốc tại FB Tony Buổi Sáng